1. Địa chỉ đặt địa điểm kinh doanh là địa chỉ liên lạc của địa điểm kinh doanh và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
2. Địa chỉ địa điểm kinh doanh phải xác định rõ 4 cấp đơn vị hành chính bao gồm:
- số nhà/đường/phố/tổ/xóm/ấp/thôn
- phường/xã/thị trấn
- quận/huyện/thị xã/TP thuộc tỉnh
- tỉnh/thành phố
Trường hợp địa chỉ doanh nghiệp dự định đặt trụ sở địa điểm kinh doanh chưa có số nhà, doanh nghiệp liên hệ yêu cầu Ủy ban nhân dân Quận/Huyện để được cấp số nhà trước khi đăng ký doanh nghiệp.
3. Theo Khoản 11 Điều 6 Luật Nhà ở 2014, Công văn số 2544/BXD-QLN của Bộ xây dựng về việc quản lý sử dụng nhà chung cư ban hành ngày 19/11/2009:
- Không sử dụng căn hộ chung cư hoặc nhà tập thể (dùng để ở) vào mục đích kinh doanh dưới mọi hình thức;
- Trường hợp căn hộ được phép kinh doanh (căn hộ shophouse, căn hộ văn phòng officetel…), doanh nghiệp cần có giấy tờ minh chứng địa chỉ địa điểm kinh doanh không phải là căn hộ chung cư với mục đích để ở thì mới được phép đăng ký.
4. Đối với những địa điểm kinh doanh hoạt động các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ngoài việc tuân thủ các quy định nêu trên, địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp còn phải đáp ứng một số điều kiện theo từng ngành nghề cụ thể.
Ví dụ:
- Trong điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke quy định: Phòng hát phải có diện tích sử dụng từ 20 m2 trở lên, không kể công trình phụ (Theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 54/2019/NĐ-CP).
- Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với khách sạn: Có tối thiểu 10 buồng ngủ; có quầy lễ tân, phòng vệ sinh chung; Có nơi để xe cho khách đối với khách sạn nghỉ dưỡng và khách sạn bên đường;… (Theo Điều 22 Nghị định 168/2017/NĐ-CP).
5. Mức xử phạt khi đăng ký sai địa chỉ trên thông báo thành lập địa điểm kinh doanh: Phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (theo Khoản 2 Điều 6 Nghị định 98/2020/NĐ-CP)